Lâu nay, nhắc đến ẩm thực Khánh Hòa, nhiều người dễ dàng kể tên các món ăn, thức uống ngon, bổ, lành. Nhưng điều đó cũng chỉ hạn chế trong phạm vi địa phương, còn để thực khách trong nước và quốc tế biết đến một nền văn hóa ẩm thực Khánh Hòa với những nét đặc trưng, tiêu biểu mang tầm quốc gia như ẩm thực Hà Nội, Huế… thì vẫn còn nhiều điều cần làm ở phía trước.
Hình ảnh: Món bánh canh chả cá Ninh Hòa nhận được sự ưa thích của thực khách gần xa.
“Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh/Sò huyết Thủy Triều…”. Chỉ gói gọn mấy câu ca thôi cũng đủ nói lên sự dồi dào, phong phú của món ngon vật lạ ở xứ Trầm – biển yến. Đó là chưa kể đến hàng loạt món ăn được người dân sáng chế ra trong quá trình lao động, sinh sống như: Bánh canh chả cá Ninh Hòa; bún lá cá dầm Ninh Hòa; nem chua – nem nướng Ninh Hòa; bánh ướt Diên Khánh; lẩu mực Đại Lãnh; bánh canh hẹ Vạn Giã; gỏi cá mai Nha Trang; bánh canh cá dầm Nha Trang, bánh tráng xoài Cam Lâm… Nhìn vào danh sách các món ẩm thực Khánh Hòa, chúng ta thấy được sự đa dạng từ món khô đến món nước, từ món khai vị – món chính – món tráng miệng.
Đặc biệt, từng món ăn đều có quá trình hình thành gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất, con người địa phương, ẩn chứa trong đó là những câu chuyện, sự tích độc đáo. Chẳng hạn món nem Ninh Hòa gắn với câu chuyện về chúa Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) bị quân Tây Sơn truy đuổi đến vùng đất Ninh Hòa và được một người phụ nữ che giấu, nuôi dưỡng. Sau này, bà được vua Gia Long cho xây lăng thờ tự nghiêm cẩn gọi là lăng Bà Vú hay lăng Nhũ Mẫu.
Trong bữa tiệc tiễn đưa chúa Nguyễn Phúc Ánh cùng đoàn tùy tùng lên đường về phương nam, có một món ăn làm từ thịt heo nạc quết nhuyễn gói trong lá chùm ruột, có vị chua chua, ngọt ngọt… Nhà chúa ước rằng, nếu có chút tỏi chắc sẽ thơm hơn; khi chấm vào nước tương, ông lại nói nếu làm nước chấm sao cho vừa ngọt vừa cay chắc là ngon hơn… Sau đó, mọi người làm thử và đều nhận thấy món ăn ngon hơn, rồi dần phát triển món nem như ngày nay.
Hình ảnh: Bún mực Vạn Ninh. Ảnh: THIỆN TÂM
Những món ăn, đồ uống của người dân Khánh Hòa được nâng lên tầm văn hóa bởi nó đã thoát ra khỏi giới hạn thông thường về mặt vật chất để duy trì sự sống cho con người, đồng thời chứa đựng những giá trị tinh thần bên trong. Mỗi món ăn, cách thức ăn uống là biểu hiện của lối sống, truyền thống lịch sử, văn hóa của người dân địa phương.
Ví dụ, trong cách thưởng thức món ăn được làm từ yến sào – một sản vật quý hiếm được thiên nhiên ban tặng, một số sách xưa ghi lại như sau: Khoảng 7 giờ tối lên giường, nằm tĩnh tâm. Đến khoảng 8 đến 9 giờ tối sẽ có người bưng một chén yến đã nấu kỹ, để nguội lên dâng. Sau khi ăn xong, dùng nước ấm để súc miệng rồi đi ngủ.
Xây dựng thương hiệu ẩm thực Khánh Hòa
Theo nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Lê Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa có nhiều món ăn mang đặc trưng truyền thống của địa phương. Với quá trình lịch sử, văn hóa hình thành nên những món ăn đó một cách lâu dài thì ẩm thực truyền thống của Khánh Hòa hoàn toàn có thể lan tỏa, nâng tầm thương hiệu trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Việc đưa văn hóa ẩm thực Khánh Hòa thành thương hiệu sẽ là chất xúc tác liên kết các chuỗi cung ứng, sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp. Hơn thế nữa, thương hiệu về văn hóa ẩm thực gắn với thương hiệu điểm đến sẽ góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến Khánh Hòa.
Hình ảnh: Người dân thị xã Ninh Hòa giới thiệu món ăn được làm từ củ khoai sáp.
Theo ông Võ Quang Hoàng – Giám đốc khách sạn Ariyana Nha Trang, Chủ tịch Chi hội Khách sạn Khánh Hòa, để xây dựng được thương hiệu văn hóa ẩm thực Khánh Hòa cần tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc và truyền thống các món ăn đặc sản của Khánh Hòa; tạo ra trải nghiệm độc đáo thông qua những phong cách nấu ăn, kỹ thuật đặc biệt chế biến các món đặc sản; xây dựng mối quan hệ với các nhà hàng và đầu bếp địa phương để tạo ra một danh mục món ăn đặc sản; liên kết với các nghệ nhân ẩm thực địa phương để đào tạo nhân viên nhằm đảm bảo nhân viên bếp của khách sạn có kiến thức về văn hóa ẩm thực Khánh Hòa và kỹ năng phục vụ khách hàng theo đúng chuẩn…
Hình ảnh: Các món ăn dân gian của người dân Khánh Hòa.
Ông Lê Văn Hoa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, ở Nha Trang – Khánh Hòa cần đầu tư xây dựng các khu phố ẩm thực tập trung để phục vụ đa dạng các đối tượng thực khách; tổ chức các lễ hội, sự kiện ẩm thực gắn liền với các sự kiện văn hóa, nghệ thuật ở địa phương; triển khai nhiều loại hình kinh doanh ẩm thực đường phố, nhà hàng, trong các trung tâm thương mại, siêu thị… để phục vụ khách; xây dựng nguồn nguyên liệu thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng nhằm phục vụ phát triển du lịch ở Khánh Hòa.
Một ý tưởng khác về xây dựng thương hiệu văn hóa ẩm thực chính là việc xây dựng bảo tàng ẩm thực Khánh Hòa. Chúng ta có thể tham khảo qua mô hình của một số nơi như: Bảo tàng ẩm thực xứ Quảng và Dinh trấn mì Quảng ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam); Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa của TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận); Bảo tàng ẩm thực Wonderfood ở quần thể du lịch Pennang (Malaysia); Bảo tàng ẩm thực mì Ramen tại TP. Yokohama (Nhật Bản); Bảo tàng Kim Chi tại TP. Seoul (Hàn Quốc)… Ngoài ra, việc tận dụng thế mạnh của kỷ nguyên số, công nghệ số để quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu văn hóa ẩm thực Khánh Hòa cũng là điều cần thiết phải làm ngay.
Những ai yêu mến văn hóa ẩm thực vẫn đang đặt niềm tin vào một tương lai không xa, tiếng tăm của những món ăn, thức uống đặc trưng xứ Trầm sẽ gieo thương nhớ, tạo động lực thôi thúc du khách đến Khánh Hòa ngày càng nhiều hơn; để ẩm thực Khánh Hòa sẽ ngày càng lan tỏa rộng rãi đến khắp các địa phương trong cả nước, cũng như vươn ra quốc tế.
Nguồn: Baokhanhhoa.vn